Thiết kế Leander (lớp tàu tuần dương) (1931)

Lớp Leander chịu ảnh hưởng bởi thiết kế của lớp tàu tuần dương hạng nặng York, và được dự định để thực hiện tốt hơn vai trò bảo vệ các tuyến đường thương mại hàng hải. Những chiếc lớp Leander tải trọng 7.000-7.200 tấn được trang bị tám hải pháo BL 152 mm (6 inch) Mark XXIII trên những tháp pháo đôi, hai phía trước và hai phía sau. Dàn pháo hạng hai bao gồm bốn khẩu hải pháo QF 102 mm (4 inch) Mark V L/45 phòng không Mark IV, sau này được thay thế bởi tám khẩu QF 4 inch Mark XVI trên các bệ nòng đôi. Vũ khí phòng không bao gồm mười hai súng máy Vickers 0,5 inch (13 mm) trên ba bệ bốn nòng. Chúng cũng được trang bị một bộ bốn ống phóng ngư lôi 21 inch (530 mm) mỗi bên mạn tàu, và được thiết kế để có thể mang hai thủy phi cơ Fairey Seafox phóng lên bằng máy phóng.

Tốc độ đạt được là 32 hải lý trên giờ (59 km/h), và nó mang theo 845 tấn vỏ giáp. Năm chiếc đầu tiên trong lớp không có sự phân tách hệ thống động lực; các phòng nồi hơi được bố trí chung với nhau và thoát hơi qua cùng một ống khói, một đặc tính riêng biệt trong số các tàu tuần dương Anh. Điều này có nghĩa là một hư hại ở giữa tàu có thể loại bỏ toàn bộ các phòng nồi hơi.

Lớp Leander cải tiến

Ba chiếc cuối cùng trong lớp, thường được xem là lớp phụ "Leander cải tiến", "Amphion" hoặc "Perth", có hệ thống động lực được sắp xếp trong hai ngăn riêng biệt trước và sau, cho phép con tàu vẫn tiếp tục hoạt động cho dù một trong hai ngăn bị hư hại.[1] Hai ống khói riêng biệt dành cho mỗi ngăn động cơ khiến cho lớp này có kiểu dáng khác biệt so với những chiếc Leander ban đầu vốn chỉ có một ống khói.[1] Để che phủ các ngăn động cơ, vỏ giáp hông được mở rộng từ 84 foot (26 m) đến 141 foot (43 m), sử dụng trọng lượng tiết kiệm được do việc tách các ngăn động lực.[2] Trong khi thiết kế, đã có ý định cải biến tháp pháo tận cùng phía mũi và phía đuôi thành những tháp pháo ba nòng thay vì hai, nhưng việc này bị hủy bỏ sau khi xác định những thay đổi cần thiết gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm giảm bớt tốc độ tối đa của con tàu cùng hiệu quả của hệ thống điều khiển hỏa lực.[3] Cả ba con tàu đều được bán cho Hải quân Hoàng gia Australia: HMAS Sydney trong khi được chế tạo, và HMAS Perth cùng HMAS Hobart sau vài năm phục vụ cùng Anh Quốc.

Cải biến trong chiến tranh

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, một số cải biến đáng kể đã được thực hiện cho những chiếc trong lớp. Nhiều kiểu vũ khí phòng không khác nhau được bổ sung, và hai chiếc chuyển cho New Zealand được tháo dỡ một tháp pháo để mang theo các khẩu pháo phòng không 20 mm và 40 mm mạnh hơn vào chỗ đó. Cũng có những thay đổi về khả năng phóng máy bay, mặc dù không xác định được việc sử dụng chúng; và các kiểu máy bay Fairey SwordfishSupermarine Walrus được cho là đã hoạt động cùng với lớp tàu này.